Hotline
0219 3.888.368Cẩn trọng với dịch vụ đáo hạn ngân hàng
Vay vốn bên ngoài để đáo hạn ngân hàng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, kinh doanh thua lỗ hoặc nguồn thu bị gián đoạn, không ít cá nhân, doanh nghiệp (DN) có khoản vay ngân hàng (NH), chi tiêu thẻ tín dụng tới hạn đã tìm đến dịch vụ đáo hạn bên ngoài, bao gồm cả vay nóng từ tín dụng "đen" để trả nợ NH. Cũng từ đó, các dịch vụ đáo hạn NH, cho vay xử lý nợ xấu, nợ thẻ tiêu dùng ngày càng nở rộ.
Nhộn nhịp dịch vụ, phí cao
Người dùng chỉ cần nhập từ khóa "Đáo hạn" trên Google hoặc các mạng xã hội sẽ xuất hiện hàng chục trang web, hội nhóm làm dịch vụ này, với số lượng lên đến trăm ngàn người tham gia. Trên các hội nhóm này, mỗi ngày đều đặn liên tục hàng chục bài quảng cáo dịch vụ, chẳng hạn như nhóm "Rút tiền - Đáo hạn thẻ tín dụng" với 82.000 thành viên, "Vay thế chấp - cầm cố - đáo hạn - bất động sản…" có 20.000 thành viên…
Trong vai người có nhu cầu đáo hạn NH, chúng tôi truy cập vào một hội nhóm và đăng nội dung "Tôi cần tiền đáo hạn tại NH A" tại TP HCM hoặc Hà Nội, các tỉnh, thành… Ngay sau đó, nhiều tài khoản vào bình luận và nhắn tin riêng, xin số điện thoại để báo chi phí. Trao đổi với chúng tôi, ông Tân - một người cung cấp dịch vụ này - cho biết cứ vay 1 tỉ đồng để đáo hạn, khách hàng sẽ phải trả 28 triệu đồng cho 7 ngày hoặc 40 triệu đồng cho 10 ngày. "Dù khách có hoàn trả số tiền trên sau 2-3 ngày kể từ lúc vay, vẫn phải trả đủ 28 triệu đồng cho 7 ngày vì phần lãi là cố định cho mỗi lần vay. Tương tự, trường hợp muốn vay 2 - 3 tỉ đồng, khách vay sẽ tự động nhân 2 hoặc nhân 3 chi phí lên, nếu cảm thấy chấp nhận được thì vay. Nhưng trước khi vay cần phải cung cấp giấy tờ vay ở NH nào, chi nhánh ở đâu, tài sản như thế nào để chúng tôi thẩm định" - ông Tân nói.
Các dịch vụ cho vay, rút tiền mặt thẻ tín dụng, đáo hạn thẻ - ngân hàng đang nở rộ. (Ảnh chụp từ màn hình)
Ông Hoàng Phát (ngụ TP HCM), cũng là người cung cấp dịch vụ đáo hạn tại các NH, cho hay cứ vay 1 tỉ đồng, khách hàng phải trả phí đáo hạn 12 triệu đồng cho 5 ngày. Nếu khách vay để đáo hạn quá 5 ngày, phí mỗi ngày là 2,3 triệu đồng. "Ở TP HCM hay Hà Nội tôi đều có thể cho vay để đáo hạn được. Khách muốn vay 4 - 5 tỉ đồng đều được nhưng phải trả phí gấp 4 - 5 lần. Chúng tôi không giảm phí dù vay nhiều. Tuy nhiên, khách phải chứng minh tài sản, cung cấp thông tin hợp đồng thế chấp tại các NH để chúng tôi cân nhắc" - ông Phát quả quyết.
Cân nhắc kỹ để tránh rủi ro
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, lãnh đạo một số NH thừa nhận nhu cầu vay vốn bên ngoài để đáo hạn NH của các khách hàng cá nhân và DN là có thật. Giám đốc khối khách hàng DN của một NH cổ phần ở TP HCM lý giải do kinh tế khó khăn nên không ít khoản vay vốn của DN tới hạn nhưng chưa trả được. Nếu không trả đúng hạn, khách hàng có thể bị chuyển nhóm nợ hoặc thành nợ xấu, bị hạ điểm tín dụng trong những lần vay tiếp theo. "Trong trường hợp này, khách hàng cá nhân vay kinh doanh hoặc DN thường chọn vay từ người thân, bạn bè hoặc tìm đến các dịch vụ đáo hạn để trả nợ NH đúng hạn. Sau khi tất toán khoản vay cũ, khách hàng sẽ được vay tiếp rồi lấy tiền này trả cho khoản vay bên ngoài, chỉ tốn phí/lãi trong vài ngày. Rủi ro ở đây là nếu khách hàng không được NH cho vay tiếp sẽ gánh nợ từ tín dụng "đen" với lãi suất rất cao" - giám đốc khối khách hàng DN này nói.
Theo các NH, việc vay nóng bên ngoài để trả nợ khoản vay tại NH sẽ rất rủi ro cho khách hàng, nhất là khách hàng DN. Bởi với lãi suất 3%-5%/tháng thì rất khó để DN hoạt động kinh doanh hiệu quả và có lời, chưa kể các rủi ro khác.
Vì lợi nhuận cho vay đáo hạn quá hấp dẫn nên không ít trường hợp nhân viên NH cũng tham gia cho khách hàng vay ngoài để đáo hạn, thu lời từ phí. Lãnh đạo một NH thương mại chỉ ra một số tình huống liên quan dịch vụ đáo hạn NH. Ban đầu, nhân viên NH hỗ trợ khách hàng mượn tiền bên ngoài để trả nợ khoản vay đúng hạn; sau đó có thể nhân viên NH cũng tham gia làm dịch vụ đáo hạn để kiếm lời dù biết như vậy là vi phạm quy định của NH và vi phạm đạo đức nghề nghiệp. "NH tôi cũng từng phát hiện và xử lý một số trường hợp cán bộ, nhân viên tham gia cho khách hàng vay, mượn tiền để trả nợ khoản vay tới hạn. Dù đây là giao dịch dân sự giữa nhân viên NH với khách hàng ở bên ngoài NH và ngoài giờ làm việc nhưng chỉ cần phát hiện sẽ bị xử lý nghiêm khắc" - phó tổng giám đốc một NH khẳng định với phóng viên.
TS Châu Đình Linh, Trường Đại học NH TP HCM, phân tích trường hợp khách hàng vay bên ngoài để đáo hạn và được NH giải ngân tiếp tục thì không sao, chủ yếu tốn phí, lãi vài ngày. Nhưng việc giải ngân tiếp cho khoản vay cũ của khách hàng hay không còn phụ thuộc phương án kinh doanh, tính khả thi của dự án ở giai đoạn tiếp theo. Nếu không được giải ngân tiếp, khách hàng sẽ gặp rủi ro với lãi suất vay cao ở bên ngoài, thậm chí là lãi suất tín dụng "đen".
Riêng với cán bộ tín dụng, nhân viên NH tham gia dịch vụ đáo hạn là vi phạm đạo đức nghề nghiệp, chuẩn mực và quy định nội bộ của NH, nhất là uy tín của NH.
Tính toán kỹ dòng tiền trả nợ
Theo quy định tại điều 8 Thông tư 06/2023/TT-NHNN về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, NH không được cho vay đối với các nhu cầu vốn để trả nợ khoản vay tại chính NH mình, trừ trường hợp cho vay để thanh toán lãi tiền vay phát sinh trong quá trình thi công xây dựng công trình mà chi phí lãi được tính trong tổng mức đầu tư xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật.
Để tránh những rủi ro từ đáo hạn NH, TS Châu Đình Linh cho rằng khách hàng cá nhân và DN cần tính toán kỹ phương án kinh doanh, dòng tiền trả nợ. NH cũng cần theo dõi hoạt động kinh doanh của khách hàng để thu nợ đúng hạn. "Các NH cần phải tránh những hành vi không được phép. Cảnh báo những hậu quả lớn về pháp lý nếu nhân viên tín dụng huy động vốn bên ngoài làm dịch vụ đáo hạn, thậm chí là lừa đảo chiếm đoạt tiền của khách hàng. Cần nâng cao vai trò kiểm soát nội bộ để cảnh báo sớm các rủi ro phát sinh - rủi ro hoạt động từ nhân viên" - TS Linh nói.
Nguồn: https://nld.com.vn/can-trong-voi-dich-vu-dao-han-ngan-hang-196240716203313341.htm